Giỏ hàng
Tài khoản

3 cách chọn giày chạy bộ từ HLV Marathon chuyên nghiệp

calendar 06/04/2023 user Đăng bởi: Nguyễn Thị Thanh Huyền

 Khi chọn giày, bên cạnh vẻ ngoài bắt mắt, bạn nên chú ý các tính năng của giày để phù hợp với mục tiêu chạy, địa hình, đặc điểm chân.

Giày thể thao là một trong những vật dụng quan trọng nhất với người chạy bộ. Những yếu tố dưới đây giúp bạn lựa chọn đôi giày phù hợp cho mục tiêu luyện tập.

Xác định địa hình

Trước hết, bạn cần xác định mục tiêu chinh phục và địa hình sẽ chạy là đường nhựa, đường núi dốc hay trên máy tập. Với mỗi địa hình, các nhà sản xuất sẽ lựa chọn chất liệu khác nhau.

Cụ thể, giày chạy đường nhựa (road-running) là những loại giày được thiết kế chạy trên đường bằng, vỉa hè và một số địa hình mức độ gồ ghề nhẹ. Loại giày này thường rất nhẹ, linh hoạt, được làm bởi những miếng đệm hoặc miếng ổn định bàn chân khi chạy trên các bề mặt cứng. 

Trong khi đó, giày chạy địa hình (trail running) có những miếng cao su dày dưới đế, tăng cường độ bám dính và bảo vệ bàn chân, giúp người chạy không bị đau khi chạy trên bề mặt lồi lõm, nhiều đá, rễ cây và chướng ngại vật. 

Loại giày cross training được thiết kế chuyên trong phòng tập thể dục, tập gym hay máy tập chạy. 

Xác định kiểu chân

Kiểu lệch cổ chân (pronation) là chuyển động tiếp đất của bàn chân khi con người đi bộ hoặc chạy. Để xác định kiểu lệch cổ chân, bạn có thể xem phần bị mòn của đế giày. 

Tùy thuộc vào độ lệch cổ chân, bạn cần lưu ý đến độ đàn hồi, giảm lực tác động của mặt đất lên chân, độ cân bằng và khả năng kiểm soát chuyển động của giày. Có ba kiểu chân: dạng bình thường, lệch trong và lệch ngoài.

Dạng bình thường là khi bàn chân tiếp đất bằng mé ngoài của gót chân, nghiêng dần vào trong khoảng 15 độ, sau đó đến các ngón chân. Phần phía trước của bàn chân sẽ tạo lực đẩy cơ thể tiến về phía trước. Bàn chân sẽ không bị tổn thương do trọng lượng cơ thể được cân bằng, độ sốc giảm. Người có bàn chân bình thường phù hợp với loại giày được lót đệm vừa phải.

Lệch trong là kiểu vòm chân thấp, bàn chân phẳng. Bàn chân tiếp đất bằng mé ngoài của gót chân, sau đó chân sẽ lật rất sâu vào mé trong, trọng lượng cơ thể bị dồn lên ngón cái và mé trong bàn chân. Ngón cái và ngón thứ hai sẽ đẩy cơ thể về phía trước nên người chạy thường xảy ra hiện tượng căng cơ, chai da, đau gót chân, đau xương cẳng chân, biến dạng ngón chân cái. Nếu có bàn chân lệch trong, bạn cần mang loại giày kiểm soát chuyển động để hạn chế sự lật chân quá mức.

Hiện tượng lệch ngoài là bàn chân sau khi tiếp đất, thay vì lật vào trong thì nó lại lật ngược nhiều ra ngoài, trọng lượng cơ thể dồn lên ngón út và mé ngoài bàn chân, độ sốc nặng. Lực đẩy từ ngón út, ngón thứ 4 và mé ngoài chân tạo vòm chân cao, bàn chân rất lõm. Nếu chân bị lệch ngoài, cần chọn loại giày lót đệm nhiều để hỗ trợ chân lật vào phía trong.

Lưu ý các bộ phận của giày

Khi chọn giày, bạn cần lưu ý đến các bộ phận của giày: mũ giày, đệm đế, đế giày, đế sau gót, đệm lòng bàn chân, chỉ số độ cao gót và mũi giày (heel-to-toe).

Theo đó, mỗi bộ phận sẽ được nhà sản xuất thiết kế bằng các chất liệu khác nhau để thích hợp với từng kiểu chân hoặc từng loại địa hình. Chẳng hạn, hầu hết đế giày được làm bằng cao su carbon có bề mặt gồ ghề. Cao su nở có độ êm tốt hơn thường sử dụng ở vùng ức bàn chân. Người chạy đường mòn hoặc đồi núi thường chọn giày có lớp đế ngoài bằng cao su carbon để tránh các vết trầy xước, trong khi người chạy đường bằng thường chọn giày đế cao su nở giúp giảm trọng lượng. 

Để lắng nghe tư vấn cụ thể từ chuyên gia chạy bộ về cách chọn giày, chất liệu giày phù hợp với mục đích, người chạy có thể đăng ký khóa học Bí kíp cho lần đầu tham gia Marathon. Khóa học do anh Trần Minh Khôi - Huấn luyện viên kiêm Giám đốc học viện chạy bộ Magic Stride (Magic Stride Running Institute - MSRI) hướng dẫn trên nền tảng Ewiki. Học viên sẽ hiểu rõ các quy tắc an toàn, phòng ngừa rủi ro và chấn thương khi luyện tập qua 14 bài học trong khóa học.  

Viết bình luận của bạn: